Phát triển logistics Việt Nam ngang tầm quốc tế

Chiều ngày 30/7, Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU), Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM (UT-HCMC), Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “Phát triển logistics Việt Nam ngang tầm quốc tế”, hướng đến mục tiêu trao đổi những kinh nghiệm, đề xuất định hướng để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới…

Doanh nghiệp logistics cần nhanh chóng tự nâng tầm

Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng trong tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chỉ số hiệu quả logistics tăng cao

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể. Chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam đang là quốc gia đứng Top đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 14% – 16%.

Số lượng và chất lượng ngày càng tăng

Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đặc biệt là nhận thức và sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương về vai trò của ngành đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đây là kết quả của sự nỗ lực của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, sự quan tâm tạo điều kiện của Chính phủ thông qua việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng.

Một số khó khăn của ngành, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh

Cũng theo Thứ trưởng, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics cao, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Quy mô và tiền lực tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể. Nguồn nhân lực làm dịch vụ  còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp.

Đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 đã tác động đến hầu hết các quốc gia và vừng lãnh thổ trên thế giới, gây tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó phải kể đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngừng trệ của hoạt động logistics trên toàn cầu mà cho đến nay vẫn chưa phục hồi được hoàn toàn. “Cùng đồng hành với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp logistics cũng phải nhanh chóng tự nâng tầm, nâng cao năng lực nội tại, có tinh thần tiên phong, tiến ra thị trường bên ngoài, hướng đến cung cấp dịch vụ  mang tính chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Cần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao

Đánh giá về vai trò của ngành dịch vụ logistics Việt Nam, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có những chia sẻ. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với đại dịch COVID-19 thì ngành dịch vụ logistics càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc đóng góp vào công cuộc chống dịch thông qua bảo đảm hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi được thực hiện hiệu quả, hàng hóa lưu thông thông suốt, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất nhập khẩu.

 

 

Ông Hiệp khẳng định: “Ngành logistics là một ngành kinh tế đa ngành, mang tính thời đại sâu sắc, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Ngày nay, ngành đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa và các mô hình logistics tiên tiến.

Điều đó thể hiện tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực , công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ , công tác quy hoạch phát triển logistics tầm quốc gia, vùng và địa phương là hết sức quan trọng”.

Thống kê nhân lực ngành Logistics

Theo thống kê đánh giá của Tổng cục Thống kê, hiện nay Việt Nam có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ liên quan đến ngành. Tuy nhiên, xét về các doanh nghiệp logistics có mức độ cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, chuyên sâu, có các dịch vụ kết nối quốc tế thì có khoảng 4.000 doanh nghiệp.

Theo dự báo của VLA, đến năm 2030, nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp cho toàn ngành là 200.000 nhân sự. Trong khi đó, khả năng đáp ứng nhu cầu nhân sự chỉ đạt khoảng 10%. Chính vì thế, sự thiếu hụt nhân lực logistics sẽ là thách thức lớn đối với ngành logistics Việt Nam.

PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện VLA đề xuất các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Thứ nhất, công tác đào tạo nhân lực logistics cần kết hợp mô hình ba nhà gồm Nhà nước – nhà trường/viện – nhà doanh nghiệp

Tập trung đào tạo kiến thức nền tảng và kỹ năng nghề nghiệp cơ bản; Phát triển e-learning và xây dựng nền tảng trực tuyến đào tạo logistics (E-platform). Đồng thời, chú trọng đào tạo kỹ năng số cho nhân lực logistics.

Thứ 2, trong công tác tuyển dụng. Các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phát triển mối quan hệ hợp tác chính thống (win-win)

Doanh nghiệp cần cam kết hỗ trợ thực tập và việc làm cho sinh viên; Các cơ sở giáo dục đảm bảo chất lượng sinh viên tốt nghiệp.

Thứ 3, xây dựng chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho ngành logistics.

Kích hoạt xây dựng chuẩn kỹ năng nghề logistics (tham khảo UNESCAP, FIATA); kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường để có thể xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.  Nhà nước có chính sách đối với doanh nghiệp tham gia tích cực trong công tác đào tạo nhân lực ngành, định hướng các doanh nghiệp vừa và nhỏ xem chi phí đào tạo là chi phí đầu tư…